HELENA PETROVNA BLAVATSKY-CH10
CHƯƠNG X
Bombay
Trong những tháng đầu năm 1879 hai vị có những lý do riêng cảm thấy bị ngã lòng. Có lúc ông Olcott nghĩ rằng qua Ấn là sai lầm lớn. Ta không biết ông gặp những khó khăn gì ngoài sự lường gạt nói ở trên khi vừa đến Bombay, cùng lo lắng về sinh kế trong tương lai. Tâm trạng này được đề cập trong một thư ông nhận được của Chân sư:
– Vì bạn đi tới kết luận là rời quê hương tới nơi này là hành động điên khùng... chúng ta nên có một hiểu biết chung càng sớm càng tốt cho mọi người. Để bắt đầu, ý muốn qua Ấn rất đỗi nồng nhiệt là của bạn... Đừng mơ tưởng cái không thể có, đừng hy vọng rằng vào phút cuối bạn sẽ được trợ giúp. Nếu bạn không đủ sức qua được thời kỳ thử thách, và xác định bạn đủ tư cách của vị đạo sư tương lai, bằng cách bắt buộc hoàn cảnh tùng phục mình, bạn hoàn toàn không thích hợp cho bất cứ thử thách nào khác...
Nó cho thấy có nhiều việc làm ông ưu tư trong thời gian này. Về phần bà Blavatsky một nguyên do lớn gây buồn lòng, là dân bản xứ khăng khăng chẳng chịu hợp tác trong việc tái tạo lại văn hóa của mình. HPB viết vào năm 1881:
– Từ sáu năm nay (từ 1875) chúng tôi đã xác nhận công khai, rằng khoa Yoga của Ấn là một khoa học đích thực, có hằng ngàn chứng cớ xác nhận và ủng hộ nó, và tuy chỉ còn ít nhà Yogi chân chính của Ấn, ai thành tâm vẫn có thế tìm được các ngài nếu theo đúng đường. Rằng những xác nhận này bị người Âu châu thách thức là chuyện đương nhiên phải có, tuy thế việc người Ấn, hậu duệ của triết gia cổ thời, cũng chối bỏ và bài bác là liều thuốc cay đắng khó nuốt. Dầu vậy chúng tôi không thì thầm mà mạnh dạn nói lên thông điệp của mình. Lời nói của chúng tôi quay trở về mình gần như là không có vang vọng nào, trong khoảng không bao la là Ấn Độ. Hiếm thấy có linh hồn can đảm nào đứng lên bảo rằng chúng tôi nói đúng, rằng yoga có thật, và rằng vị Yogi chân thực vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi được nghe rằng Ấn Độ đã chết, rằng mọi ánh sáng tinh thần đã tắt ngấm từ lâu trong ngọn đuốc của xứ sở này, rằng khoa học hiện đại đã chứng minh chuyện xưa chỉ là sai lạc... Nhưng khi người ta thấy rằng chống đối không làm chúng tôi im tiếng, và không chứng cớ nào cho sự chống đối được nêu ra, thì có những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện cho thấy có sự thay đổi ý kiến.
Chuyện khác cũng gây thối chí là việc trong 18 tháng đầu trên đất Ấn, mật vụ Anh theo dõi HPB, tin rằng bà có thể là điệp viên Nga, ngay cả ông Olcott cũng bị nghi ngờ. Vào lúc này hai nước Nga và Anh tranh dành ảnh hưởng ở bán đáo Ấn, có thể việc hai vị giao thiệp với người bản xứ nhiều hơn là với những người da trắng khác, làm họ bị đặt câu hỏi. Nhiều người bản xứ bị ảnh hưởng vì những nghi ngờ này, đã không muốn gia nhập hội. Thư và điện tín gửi tới bị mở ra đọc, thư gởi đi thỉnh thoảng bị tịch thâu. Nhà cầm quyền cho người theo dõi từng bước của hai vị rất lộ liễu, nên một lần ở ga xe lửa trước khi lên tầu, HPB tới nhân viên bám theo đuôi và đùa cợt cảm tạ sự hộ tống của ông. Tầu về đến Bombay, hai vị tới toà lãnh sự Hoa Kỳ nơi ấy yêu cầu có lời phản đối. Khi trả lời, chính quyền Bombay của Anh đáp với toà lãnh sự rằng họ không có ý gì thất lễ.
Lại nữa, trong suốt những năm ở tại Ấn, HPB cũng là cái đích cho một số nhà truyền giáo vu khống, phỉ báng, họ xem hoạt động của bà (nhằm khôi phục minh triết cổ xưa của Ấn giáo), như dẫm chân lên quyền trời cho của họ, là đi cứu rỗi linh hồn người ngoại đạo. Một Chân sư khi nói về công việc của phong trào Theosophy gọi đó là 'Mong ước khó thành', và giải thích:
– Khi nhìn vào mức độ của công việc mà người chí nguyện cho phong trào phải thực hiện, và nhất là có vô số kẻ dàn hàng đối nghịch, ta có thể sánh nó với nỗ lực tuyệt vọng chống lại địch thủ mạnh hơn bội phần, mà người chiến sĩ chân chính can đảm ra tay.
Ông Olcott thắng được ý muốn quay trở về Hoa kỳ, và vào tháng 7 - 1879 hai vị quyết định xuất bản nguyệt san The Theosophist, ông sẽ trông coi mặt thương vụ còn bà Blavatsky chủ biên. Phân chia là vậy nhưng trong những số đầu, ta sẽ thấy mỗi tháng bà bận rộn đóng, gói báo gửi tới người mua, báo bầy kín trên sàn, trên bàn viết, trong phòng làm việc của bà. Với công việc này, hai vị may mắn có được phụ tá đắc lực và hết lòng là Damodar K. Mavalanka, Damodar là nhân vật đáng được nói tới nên ta sẽ đề cập thêm về ông dưới đây. Nói tiếp về tờ Theosophist, báo có tầm vóc quốc tế, được lưu hành ở nhiều nước thu hút độc giả ở phương tây những người chưa hề nghe nói đến MTTL. Số đầu tiên ra vào tháng 10 - 1879. Bài viết của HPB trong 6 năm bà làm chủ biên rất đáng kể, sau này những bài ấy được in lại trong 5 cuốn đầu của bộ Collected Writings. Chuyện đáng nói là các Chân sư viết một số bài báo qua tay HPB, càng làm cho báo thêm giá trị.
Sau khi đọc Isis và gia nhập hội, Damodar viết:
– Không có gì là phóng đại khi nói rằng chỉ trong mấy tháng nay, tôi mới là thực sự là người đang sống, vì giữa cuộc sống tôi có lúc này và cuộc sống mà tôi hiểu trước kia, có một khoảng cách không sao lấp bằng... Khi đó ước vọng của tôi chỉ là tậu thêm nhiều đất đai, có địa vị trong xã hội và thỏa mãn ước muốn, thèm khát của mình...
'Hội Theosophia đã soi sáng cho tôi về đất nước mình, tôn giáo, bổn phận của tôi. Tôi trở nên tín đồ Ấn giáo tốt đẹp hơn hồi nào đến giờ, tôi cũng nghe tương tự, là người Parsi nói họ trở nên tín đồ Hỏa giáo tốt đẹp hơn, kể từ khi gia nhập hội Theosophia. Tôi cũng thấy Phật tử viết thư cho hội, bảo rằng việc học hỏi MTTL làm họ quí chuộng tôn giáo của mình hơn nữa. Thế thì việc học hỏi này làm cho mỗi người tôn kính đạo của mình nhiều thêm. Nó cho họ cái nhìn xuyên qua chữ nghĩa vô tri và thấy rõ ràng phần tinh thần... Nếu ta xem xét tất cả tôn giáo theo nghĩa thông thường, thì dường như chúng chống đối nhau về nhiều chi tiết, không cái nào thuận với cái nào... Phải có một căn bản chung trên đó mọi hệ thống tín ngưỡng đặt nền tảng, và cái căn bản chung đó nằm ở gốc mọi điều, đó là chân lý.'
Damodar là người đầu tiên dùng chữ Mahatma để nói về các vị Chân sư ở Hi Mã Lạp Sơn. Trước đó các ngài được gọi là những vị Huynh Trưởng. Đây chỉ là chữ mới trong Anh ngữ cho người tây phương, còn thì chữ này đã được dùng từ lâu ở Ấn để chỉ những bậc sáng suốt.
Tháng 81879 bà Blavatsky nhận được thư của một người quen biết, là Emma Coulomb nhờ được giúp đỡ. Trở ngược câu chuyện một chút, ta có ghi năm 1871 Helena sang Cairo và quen với ông bà Coulomb, lúc đó chưa lập gia đình với nhau. Đi vào chi tiết là Helena lên tầu Hy Lạp đi Cairo, nhưng tầu nổ và chìm ở nứa chặng đường, trong số 400 hành khách chỉ có 16 người sống sót. Helena được cứu và mang về Ai Cập nhưng mất hết tiền bạc và hành lý, do đó cô gặp khó khăn trong lúc chờ đợi chính phủ Hy Lạp bồi thường. Khi ấy Emma giúp việc tại khách sạn Helena cư ngụ, đã tốt bụng cho Helena mượn tiền để qua tai nạn trên. Nay tại Ấn, bà có thư của Emma cho biết đã thành hôn với con trai của người chủ khách sạn là Alexis Coulomb. Công việc làm ăn không khá tại Cairo khiến hai ông bà Coulom sang Ấn Độ, mở khách sạn tại Tích Lan nhưng cũng không thành công. Họ đang bị kẹt tại Tích Lan và muốn biết là nếu sang Bombay, hai vị có thể tìm việc cho họ được không ? Ông Olcott thuận mời hai ông bà sang Bombay và giúp hai người tìm việc.
Tháng 12- 1879, hai vị tới thăm ông bà Sinnett lần đầu tiên tại Allahabad phía bắc Ấn Độ, đi theo có Damodar và Babula. HPB chẳng những không uống rượu mà chỉ cần hơi rượu cũng làm bà khó chịu, nhưng khi ngụ tại nhà ông bà Sinnett, rượu được dùng tự do tại nơi này và HPB bị chìm trong hơi rượu suốt hai tuần. Một người bạn của ông Sinnett là ông Allan Octavian Hume đến chơi gặp hai vị sáng lập, sau đó xếp đặt cho ông Olcott có một buổi thuyết giảng về Theosophia tại Allahabad. Trong buổi nói chuyện, ông có chút sơ sót nên trên đường về bà mạnh mẽ vạch ra điều ấy với lời phê bình lớn tiếng. Ông Sinnett ngạc nhiên về cơn bão bất ngờ, mà cũng ghi rằng ông Olcott can đảm nhận chịu sự trách cứ, còn chính người trong cuộc là ông Olcott viết:
– Cố nhiên là vậy. Tôi quí yêu những đặc tính đáng quí của bà, và rất cảm tạ việc bà đã chỉ cho tôi đường đạo. Tôi chấp nhận cơn thịnh nộ của bà, vì điều tốt đẹp mà bà sinh ra thì trội hơn rất nhiều mọi đau khổ cá nhân ta phải chịu.
Tiếp tục cuộc thăm viếng của hai vị sáng lập ở phía bắc Ấn, sau ngày 18 - 12 hai vị đi Benares. Ở đây ông Olcott tới thăm xã giao giáo sư Thibault người Đức, dịch giả kinh Veda sang tiếng Anh. Tối hôm đó ông Thibault tới nơi hai vị cư ngụ để đáp lễ, cùng đi với ông là một số học giả về Phạn ngữ, có mặt trong buổi nói chuyện là bà Blavatsky và năm người khác có Damodar. Trong câu chuyện giáo sư Thibault nói rằng các học giả Phạn ngữ đoan chắc với ông, là hồi xưa có những nhà yogi thực sự có quyền năng kỳ lạ mô tả trong kinh sách, thí dụ như họ có thể làm trận mưa hoa hồng rơi xuống trong căn phòng như mọi người đang ngồi, nhưng nay thì không còn ai có thể làm như vậy.
Nghe thế là đủ cho HPB ra tay. Bà phất tay phải trong không với cử chỉ thật oai vệ, và có khoảng một chục bông hồng rơi xuống. Trong khi những người khác hứng chí nhặt hoa, ông Thibault ngồi chết sững như trời trồng, ông hỏi bà có thể làm lại lần thứ hai chăng. Bà lập lại cử chỉ và có thêm hoa rơi, một cành rơi trúng đầu ông Thibault, tung lên và rớt vào lòng ông. Ông giật mình, mở rồi nhắm mắt nhiều bận xong nói:
– Sức nặng nhân với vận tốc chứng tỏ là hoa phải được mang về từ xa.
Ông Olcott không cho biết chiều cao của trần nhà, nhưng ta biết đó là căn nhà trệt như thế trần chắc không cao lắm. Phép lạ chưa chấm dứt vào tối hôm ấy. Khi ông Thibault đứng dậy ra về, ông Olcott kéo màn cửa đưa ông ra và Damodar cầm đèn theo sau. Ông bắt tay giáo sư Thibault người đứng trong bóng tối ngoài nhà, khi ông quay lại thì thấy bà Blavatsky đứng dậy, gương mặt có cái nhìn lạ lùng đây quyền uy, chuyện gần như luôn luôn thấy trước khi sinh ra hiện tượng. Ông gọi ông Thibault trở lại. Bà Blavatsky cầm lấy ngọn đèn từ tay Damodar, móc ngón trỏ tay trái vào móc đèn, chỉ ngón trỏ tay phải vào ngọn lửa và nói một cách uy nghi:
– Đi lên.
Ngọn lửa vươn lên cao hơn.
– Đi xuống.
Nó lụn từ từ cho tới khi còn rất nhỏ và có mầu xanh ở cuối tim đèn.
– Đi lên, ta ra lệnh.
Ngọn lửa đi lên trở lại.
– Xuống!
Nó xuống như trước. Bà đưa cây đèn cho Damodar, gật đầu với ông Thibault mà không thốt lời nào, và vào nhà trở lại.
Sau đó bà giải thích với ông Olcott chuyện chẳng đáng gì cả. Một vị đạo sư đã vặn cho tim đèn lên xuống mà thôi, nhưng ông không tin. Ông cho rằng bà đã làm chủ được tinh linh lửa. Có lần bà nói rằng tinh linh đất, nước và không khí thường dễ cho sai khiến, nhưng muốn khiến tinh linh lửa làm chuyện gì thì khó hơn nhiều. Ông nghĩ là bà không muốn nhìn nhận rằng mình có được quyền năng nhiều như vậy.
Ta có nói HPB sống bằng nghề cầm viết từ khi qua Hoa Kỳ, bà đi nhiều nơi chứng kiến nhiều việc, và biến những điều mắt thấy tai nghe thành chuyện lý thú. Thuở ấy Ấn Độ còn đầy sự bí ẩn huyền hoặc đối với người tây phương, nên bài viết về nước này được nhiều chú ý, năm 1879 HPB tiểu thuyết hóa cuộc du hành của mình trên đất Ấn, gửi đăng báo tại Nga. Những điểm chính trong chuyện là có thật, tuy nhiên như bất cứ tác giả nào bà thêm bớt, tô điểm tình tiết, vì vậy người đọc không nên tin hết mọi điều trong đó, mà chúng cũng không xẩy ra theo thứ tự kể trong bài. Kế nữa tuy chuyện bắt đầu viết khi bà sang Ấn năm 1879, nhưng trước đó bà đã qua Ấn nhiều lần, thế nên chuyện không phải chỉ gồm những việc xẩy ra từ năm 1879, mà còn chứa đựng nhiều điều bà đã gặp trong những lần du hành trước, về sau chuyện được cháu gái của bà là Vera Johnston dịch sang Anh văn với tựa đề From the Caves and Jungles of Hindostan. Tại Nga, loạt bài của HPB về đất Ấn gây chú ý sôi nổi, chuyện kéo dài trong vài năm trên báo. Ảnh hưởng của chuyện được thấy khi năm 1884 sang Âu châu, ông Olcott gặp hai người Nga bị quyến rũ đi du lịch qua Ấn do đọc chuyện đăng báo. Họ cho hay chuyện lôi cuốn làm mê say mọi người ở Nga.
Cuối tháng giêng ông bà Coulomb từ Tích Lan sang tới Bombay, giữ lời hứa ông Olcott liên lạc với thân hữu tìm việc cho ông Coulomb nhưng việc không kéo dài lâu, rốt cuộc hai vị thuận cho ông bà Coulomb ở chung nhà, ông Coulomb biết nghề mộc, sửa máy nên lo chuyện quanh nhà còn bà Coulomb giữ phần việc quản gia.
HPB biết đến Phật giáo từ lúc nhỏ, khi theo ông ngoại tới ngụ trong vùng Astrakhan ở cửa sông Volga đổ vào biến Caspian, với dân chúng nơi đây thuộc người Kalmuck theo Phật giáo. Khi trưởng thành ta đã thấy bà sang Ấn, đi Tây Tạng nên không xa lạ với Phật giáo. Từ khi đến Ấn, ông Olcott và bà dự tính sẽ viếng thăm các hoạt động của Phật giáo tại Tích Lan. Để có thể đi xa một thời gian dài, hai vị chuẩn bị trước nhiều số báo The Theosophist. Họ rời Ấn ngày 7 - 5 bằng tầu và đến Tích Lan ngày 17 - 5, đây là lần đầu tiên hai vị tới đây nhưng dân cư nơi này đã nghe tiếng ông và bà trước đó. Chuyến đi có ý nghĩa quan trọng và lớn lao, chẳng những cho Phật giáo tại nơi đây mà cho Phật giáo nói chung trên thế giới, nên ta dành một chút thời gian để nói thêm về sự kiện này, dù nó chỉ là việc nhỏ trong đời bà Blavatsky.
Trong thời gian đang nói, Tích Lan cũng như Ấn là thuộc địa của Anh, nhà cầm quyền tại Tích Lan cấm đoán ngặt nghèo sinh hoạt tôn giáo tại đây, tỏ ra kỳ thị Phật giáo, như luật bắt buộc dân chúng phải thành hôn trong giáo đường Anh giáo.
Vào thập niên 1870, một trong những phản ứng của người Tích Lan là loạt tranh luận, giữa đại diện Phật giáo và Anh giáo. Nhà sư Megethuvatte Gunananda có những buổi thuyết giảng, nhằm phá bỏ ảnh hưởng của các nhà truyền giáo, đáp lại người theo Thiên Chúa giáo mở một cuộc họp đông đảo cho công chúng, nhất quyết triệt hạ ông. Họ thách thức ông đến tranh luận công khai với những học giả giỏi dang nhất của họ. Gunananda chỉ có một mình nhưng không chùn bước, ông đối diện với lực lượng kết hợp của Thiên Chúa giáo và với tài hùng biện, lý luận đanh thép hạ được đối thủ khiến họ phải ngượng ngùng chịu thua. Âm vang của cuộc tranh luận lịch sử này lan sang tận Hoa Kỳ, và vài năm sau, ông nhận được thư của một đại tá Mỹ và phụ nữ quí tộc người Nga tỏ ý hoan nghênh chiến thắng của ông, cùng cho hay việc thành lập hội Theosophia. Kèm theo thư là bộ Isis. Ông Gunananda từ đó liên lạc với hai vị thường xuyên, và bắt đầu dịch một số đoạn trong Isis sang tiếng Tích Lan. Các bài dịch này được lưu hành trên khắp đảo, và chẳng bao lâu dân chúng quen thuộc với tên Olcott và Blavatsky.
Trong chuyến viếng thăm này hai vị chịu lễ qui y tam bảo, thọ ngũ giới. HPB có thiện cảm với Phật giáo nhưng trọng tâm hoạt động của bà vẫn luôn luôn là MTTL. Bà viết:
– Quả đúng là tôi xem triết lý của đức Phật là hệ thống cao siêu nhất, tinh tuyền nhất và trên hết thẩy, hợp lý nhất so với tất cả. Nhưng hệ thống này đã bị biến dạng trong bao thế kỷ qua, do tham vọng và lòng cuồng tín của hàng tăng sĩ và đã trở thành tôn giáo đại chúng... Tôi muốn uống nước tận nguồn, hơn là nước của bất cứ dòng suối nào trong vô số dòng suối phát xuất từ đó... Đức Phật khi cải cách và phản đối lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ Bà La Môn xảo quyệt, đã hoàn toàn đặt căn bản trên ý nghĩa bí truyền của kinh sách tuyệt diệu có từ ban sơ.
Hai vị đi các nơi trong Tích Lan, lập một số chi bộ, và đón nhận nhiều người gia nhập hội. Một trong những người này là nhà sư Anagarika Dharmapala, sau này là nhân vật tiếng tăm, có đóng góp rất đáng kể trong việc truyền bá Phật giáo ở thế kỷ 20, lúc đó 16 tuổi, ông kể lại mối quen biết với bà:
– Vào tháng 12 - 1884, bà Blavatsky và ông Olcott lại viếng thăm Colombo trên đường tới Madras. Tôi thưa với ba tôi rằng muốn đến Madras làm việc với hai vị. Mới đầu ba tôi ưng thuận, nhưng tới ngày tôi lên đường, ba nghiêm trang bảo nằm mơ thấy điềm xấu và không thể cho tôi đi. Vị sư trưởng, những vị sư khác mà tôi quen biết từ lúc nhỏ, ông bà tôi, ai cũng chống đối. Tôi không biết phải tính sao, nhưng lòng tôi nhất định đi vì tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến cuộc đời mới cho tôi. Bà Blavatsky đối mặt với các vị sư và cả gia đình tôi. Bà thật là phụ nữ tuyệt vời, đầy năng lực với ý chí dẹp tan hết mọi trở ngại... Thế nên gia đình tôi thuận lòng...
'Có lúc bà bảo tôi rằng vì tâm hồn và thân xác tôi trong sạch, tôi có thể tiếp xúc với các đạo sư ở Hi Mã Lạp Sơn. Thành ra năm 19 tuổi tôi quyết định dành trọn đời học khoa học huyền bí, nhưng tại Madras bà chống lại kế hoạch ấy. Bà dạy:
– Việc sáng suốt hơn là bạn hiến đời mình cho việc phụng sự nhân loại, và trước hết thẩy hãy học tiếng nam Phạn (Pali), ngôn ngữ thánh của đức Phật.
'Thuở đó chữ viết Pali ít được biết đến... Từ lúc ấy đến khi bà rời Madras, HPB chăm lo cho tôi, bà viết dặn dò tôi đi theo ánh sáng trong tâm. Tôi theo sát lời khuyên của bà, và rất vui được làm chứng về khả năng soi sáng tâm linh thật kỳ diệu của HPB...'
Đây chỉ là một trong những lời của người thời đó, cho thấy lòng ưu ái của HPB đối với người trẻ. Theo với chuyện, ta sẽ biết được những người khác có kỷ niệm đáng nhớ về cách đối xứ của HPB với họ lúc nhỏ.
Về chuyến đi Tích Lan, xin mời bạn đọc một giai thoại lý thú của dịp này đăng trong báo PST 49 trang 39. Ngày 13 - 7, hai vị quay về Ấn. Một hôm bà kêu ông Olcott vào nhà của mình để giới thiệu với ông một khách của bà, đó là vị Chân sư Serapis người Ai Cập, vị đã gửi ông nhiều thư tại Hoa Kỳ. Ngài cho hai vị lời khuyên về cách điều hành hội, và sau đó ông Olcott được yêu cầu ra khỏi phòng, nên không thấy Chân sư rút lui bằng cách nào. Ông chỉ ghi là khi ông bước ra thì ngài ngồi cùng bà Blavatsky trong phòng. Trong tháng 8 hai vị nhận được thư của ông Sinnett ,mời lên chỗ nghỉ hè của ông tại Simla và hai vị rời Bombay lên đường ngày 27 - 8. Từ giai đoạn này, hai nhân vật Sinnett và Hume đóng vai quan trọng trong một thời gian đầu của hội, nên ta cần biết thêm một chút về họ.
Alan Octavian Hume
Ông Alan Octavian Hume được xem là cha đẻ của quốc hội Ấn. Tuy là người Anh nhưng ông đã cùng với bà Annie Besant hô hào, khuyến khích người Ấn và tranh đấu cho Ấn Độ được độc lập, nhưng đó là chuyện trong tương lai. Ông là viên chức cao cấp sở thuế của nhà cầm quyền Anh tại Ấn, và cũng là thẩm phán tòa sơ thẩm, rất có khả năng và óc thông minh sâu sắc. Ngoài công việc hành chánh mà ông tỏ ra giỏi dang, ông Hume còn ưa thích ngành điểu học, nhiều giống chim mới được ông khám phá, phân loại và trưng bầy ở nhà trong tủ đặt quanh tường như trong viện bảo tàng. Dầu vậy sách ghi ‘…khi gia nhập hội, ông gửi điện tín cho những người chuyên bắt chim cho mình ở khắp nơi, bảo họ ngưng không bắn chim nữa vì một trong những chủ trương của MTTL là không lấy đi sự sống...' Từ đó ông cũng ăn chay trường.
Là người có lý trí mạnh mẽ, đầu óc khoa học, do chứng kiến nhiều hiện tượng mà bà Blavatsky hay vị khác làm trước mặt ông và nhiều nhân chứng, ông tin vào sự hiện hữu của Chân sư và cõi vô hình. Khi được hỏi về sự hiện hữu của các Chân sư và các ngài làm được điều gì tốt lành, ông viết:
– Nay tôi biết là các vị Huynh Trưởng hiện hữu trong đời, nhưng các chứng cớ mà tôi có được thì hoàn toàn chủ quan và do đó chỉ hữu ích cho riêng tôi mà thôi, trừ phi bạn xem việc tôi ở đây, tại Simla, nhận thư của một trong các Ngài là thầy của tôi, thả rơi trên bàn mà chỉ có tôi một mình trong nhà còn bà Blavatsky, ông Olcott và tất cả những đệ tử khác v.v. cách xa đây hàng ngàn dặm.
‘Còn nói về việc các vị Huynh Trưởng làm điều gì tốt lành cho tôi hay người khác... nếu bạn xem việc thành lập hội Theosophia là một chuyện tốt, thì ít nhất đó là một những điều tốt lành các Ngài đã làm cho ngưòi khác, và nếu bạn nghĩ nó tốt cho tôi vì khiến tôi bỏ được tất cả mọi ham muốn vật chất’ và chuyên chú hoàn toàn trọn con người mình vào việc tạo điều tốt đẹp cho người khác, thì tôi chắc ta có thể nói đây là điều tốt lành mà các vị Huynh Trưởng đã làm cho tôi.’
Ông trở thành chi trưởng chi bộ của hội tại Simla, tuy trái ý với HPB một số điều nhưng sau này khi báo chí đăng bài vu khống HPB, gọi bà là người hoang đàng vô lương tâm (an unscrupulous adventuress), ông viết một bức thư dài bênh vực bà trong đó có đoạn:
– Quí vị có thế gọi ai là người hoang đàng, khi chẳng những họ không lấy tiền từ chủ trương họ theo đuổi mà ngược lại, còn dốc hết tiền riêng của mình chi ra cho nó không ? Nếu không thì chắc chắn đại tá Olcott và bà Blavatsky không phải là kẻ hoang đàng, vì tôi biết chắc chắn hai vị đã bỏ thêm vào số thu nhập của hội Theosophia hơn 2.000 đồng bảng Anh (thập niên 1880). Sổ sách hội được kiểm toán thường xuyên, in ra và công bố nên ai muốn đều có thể xem xét để chứng thực.
Hiện Tượng tại Simla.
Về ông Sinnett cũng có nhiều điều lý thú để ghi nhưng đây chưa phải lúc. Ông là một nhân vật giao du rộng rãi trong tầng lớp cầm quyền của Anh tại Ấn nên qua ông, hai vị sáng lập tiếp xúc được với những người da trắng có thế lực. Những người này do óc hiếu kỳ có thể lạ lùng với việc một luật sư Mỹ, và một phụ nữ quý tộc Nga lại theo Phật giáo và bênh vực Ấn giáo, cho rằng tôn giáo này có minh triết thâm sâu ,trong khi giới trung lưu Anh chỉ thấy đầy sự dốt nát, mê tín dị đoan. Sự tò mò khiến họ tìm hiểu về MTTL mà hội quảng bá, nhờ vậy tôn trọng người bản xứ cùng tôn giáo của họ hơn, tiến thêm một chút về tình huynh đệ đại đồng và bớt kỳ thị. Vào lúc này khi chính sách đa văn hóa được áp dụng ở nhiều nơi, và sự kỳ thị về mầu da, chủng tộc, phái tính, tôn giáo đã bớt, chúng ta có thể coi đó là điều không quan trọng, nhưng vào thập niên 1880 tại Ấn đó là chuyện mới mẻ gây chú ý.
HPB có tính chẳng chịu khuất phục ai, lệ thường là ai mới đến một nơi thì đi thăm trước những người đã ở lâu nơi đó hay có thế lực để tự giới thiệu mình, nhưng HPB trong lần đến nhà ông bà Sinnett ở Allahabad năm 1879 và năm nay đến Simla, không hề thăm viếng ai. Dầu vậy tiếng tăm của bà được nhiều người nghe nên khi biết tin bà ở nhà ông bà Sinnett, các nhân vật người Anh ở hai nơi trên nườm nượp tới thăm mà không phải ngược lại, một phần để mong được thấy phép lạ. Lần trước ở Simla bà chìu ý nhiều người tạo nên tiếng gõ trên bàn, trên cửa; lần này hai sự việc lạ lùng xẩy ra gây bàn tán sôi nổi, và sau đó khi được ông Sinnett viết thành sách (The Occult World) phát hành ở Anh, đông người đọc làm tiếng vang lớn hơn, và hội Theosophia cùng các Chân sư được biết tới nhiều hơn. Một số người nhờ đọc quyển này mà đến với hội, hay biết tới minh triết đông phương. Sự việc diễn ra như sau.
Đến Simla, hai vị đi cáng do ông Sinnett gửi đến, có nhiều người khiêng lên nhà trên sườn đồi. Tánh HPB không nể nang ai mà hễ có chuyện gì bất bình thì không giữ trong lòng, mà lộ ra trên nét mặt, lời ăn nói. Trận bão có thể ào ào thành giông tố tơi bời sấm sét thịnh nộ đáng sợ, nhưng ai đã chứng kiến hay là cái đích cho cơn thịnh nộ, nói rằng khi bão qua rồi thì bà quên hoàn toàn, trở lại là nhân vật quí phái cư xử nhã nhặn, bặt thiệp như cũ. Bởi bà giao tiếp nhiều với người Anh, sắc dân nổi tiếng về sự kềm chế cảm xúc như câu nói 'phớt tỉnh Ăng lê', vui buồn có trào dâng hay sâu đậm thế mấy cũng giữ vẻ thản nhiên ngoài mặt, do đó họ đối nghịch với HPB. Một số người còn cảm thấy không thoải mái với cách nói chuyện hay cư xử bộc trực của bà, còn ông Sinnett thì tuy quí chuộng HPB và vui lòng được bà nhận lời đến chơi, nhưng hồi hộp lúc tiếp khách vì không biết họ sẽ phản ứng ra sao, khi giông tố bất thình lình xẩy ra. Ông phê bình với ông Olcott, là khi lớn tiếng thì HPB không phải là quảng cáo tốt đẹp cho triết lý mà bà khuyến dụ mọi người.
Dầu vậy, ông mời được nhiều viên chức chính quyền đến gặp hai vị, trong đó có thiếu tá Henderson, người đã ra lệnh cho theo dõi hai vị. Ngày 29 - 9 bà Blavatsky và ông Olcott cùng bà Sinnett đi dạo chơi trên đồi, HPB hỏi bà Sinnett ao ước điều gì nhất, bà Sinnett bảo muốn nhận được thư của các Chân sư. HPB xé một mảnh giấy mầu hồng, lấy tay vạch vài dấu hiệu vô hình trên đó, xếp giấy thành hình tam giác và đi ra xa chừng 20 m. Tới sườn đồi và hướng về phía tây, bà làm vài dấu hiệu rồi tung giấy lên không. Khi đó bà Sinnett bảo muốn thư trả lời rơi trong lòng mình, nhưng HPB đáp nó không xuống đó mà sẽ ở trên cây. Bà đi lại một cây nhưng không thấy gì ở đó. Cả ba người đi tới chỗ khác xa hơn nữa, chỗ trước đó họ chưa tới, mới đầu họ cũng không thấy gì ở đấy, nhưng rồi bà Sinnett trèo lên cây chừng một thước và nhìn quanh quất cành lá. Bà không thấy gì cả nhưng khi quay đầu lại mà không cử động gì khác, bà lập tức thấy ngay trước mặt ở chỗ mà mới đây không thấy có gì, một tờ giấy mầu hồng xếp lại hình tam giác giống như tờ được thẩy trong không, có cành lá ghim xuyên qua. Khi bà gỡ ra và đem xuống đọc thì giấy ghi hàng chữ:
– Tôi được dặn để thư ở đây cho bạn. Nay tôi có thể làm gì cho bạn đây ?
Cả ông Olcott và ông Sinnett không coi hiện tượng này là chứng cớ để trưng ra cho ai hoài nghi, vì thư không hiện ra ở chỗ mà bà Sinnett muốn, hay họ có thể nói đó không phải là mảnh giấy được thấy tung lên không, hay nó là mảnh giấy khác có hình dáng tương tự được HPB đặt sẵn ở đó trước. Mặc dầu vậy ông Sinnett thuật theo lời bà Sinnett là khúc cây nhỏ đâm xuyên qua thư vẫn còn xanh, tươi và ẩm ướt như thể chỉ mới được bẻ ra để ghim thư, nó chưa bắt đầu khô và héo lại trong trường hợp được bẻ lâu từ trước.
Bây giờ ông Sinnett nẩy ra ý viết thư cho các vị Huynh Trưởng, nếu bà Blavatsky chịu chuyển giùm ông. Ông Hume cũng viết thư cho bà yêu cầu cùng việc ấy. Bà đáp nó nằm ngoài khả năng của bà nếu không được giúp đỡ, và nó tùy thuộc bà có được trợ lực hay không. Mọi người quanh đó nghe một tiếng như tiếng chuông nhỏ ngân lên gần đầu bà, và HPB nói rằng đó là dấu hiệu cho biết làm được, ông có thể xúc tiến. Về sau bà nói thêm là khó mà tìm được Vị nào chịu liên lạc thư từ với ông Sinnett và ông Hume. Trước tiên bà hỏi thầy của mình là đức M thì ngài từ chối thẳng (ngài cung một !) không muốn bận bịu tới việc ấy, liên lạc với những Vị khác cũng bị từ chối. Cuối cùng đức K.H. tự ý nhận làm (ngài cung hai !).
Hiện tượng nổi tiếng hơn cả diễn ra vào ngày 3 -10, 1880. Ai nấy dậy sớm để đi chơi ngoài trời. Người giúp việc cho ông bà Sinnett xếp sáu bộ bát đĩa cho sáu người: ông bà Sinnett, hai vị, thiếu tá Henderson và một người khách nữa. Mọi người sẵn sàng lên đường, các ông đi ngựa còn các bà đi cáng, thì có khách cỡi ngựa đến và được mời nhập bọn đi chơi luôn. Tuy mọi người biết nơi sẽ đến nhưng có một số đường khác nhau dẫn tới chỗ đó, và đường mà họ đi thì không định trước. Sau vài giờ họ tới một khoảng cỏ bằng phẳng hơi dốc, có cây lớn cho bóng mát. Họ dừng lại và gia nhân trải khăn, đốt lửa nấu nước làm trà và cà phê, khi đó có khám phá là chỉ có 6 bộ tách và đĩa cho 7 người, ông Olcott nghe bà Sinnett khiển trách gia nhân, là đã không lấy thêm một bộ bát đĩa khi thấy số người tăng lên thành bẩy, rồi bà quay lại phía mọi người, nói rằng đành phải có hai người dùng chung một tách, ông Olcott đề nghị một người uống bằng đĩa, và có ai đó đề nghị đây là cơ hội cho bà Blavatsky dùng huyền thuật, tức hiểu biết bí truyền, tạo thêm một tách và đĩa.